Việt Nam đất nước xinh đẹp được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ. Bên cạnh đó, người Việt trải qua một giai đoạn lịch sử lâu đời với 54 dân tộc khác nhau cũng đã xây dựng nên một bức tranh văn hóa đa màu sắc, độc đáo, bên lâu và vô cùng giá trị. Đó là một lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Tính đến nay, đã có rất nhiều di sản thiên nhiên, vật thế và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Di sản thiên nhiên thế giới
1. Vịnh Hạ Long: Ngày 17/12/1994, UNESCO đã đưa vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ. Ngày 2/12/2000, UNESCO tiếp tục công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo.
Tham Khảo Chương Trình Tour Du Lịch Hạ Long của du lịch Vietpower
2. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: Năm 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới vì đạt tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo, “là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử trái đất”.
Di sản văn hóa thế giới
3. Quần thể di tích Cố đô Huế: Tháng12/1993, UNESCO đã công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá thế giới, “là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến từng tồn tại tại Việt Nam”, “là một điển hình nổi bật của kinh đô phong kiến phương Đông”.
Tham Khảo Chương Trình của Tour Du Lịch Huế du lịch Vietpower
4. Phố cổ Hội An: Sự giao thoa văn hóa đã làm nên một Hội An hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngày 4/12/1999, UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí: Hội An là di sản nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ tại một thương cảng quốc tế và Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Tham Khảo Chương Trình của Tour du lịch Hội An du lịch Vietpower
5. Thánh địa Mỹ Sơn: Ngày 1/12/1999, UNESCO đã công nhận Thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí: “là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa”, “là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh Châu Á đã biến mất”.
6. Hoàng thành Thăng Long: Ngày 31/7/2010, UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới vì mang những giá trị nhân văn, điêu khắc, kiến trúc, xây dựng, quy hoạch và cảnh quan… Đây là một trung tâm quyền lực của Việt Nam, là minh chứng về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ ở vùng Đông Nam Á và Đông Á.
7. Thành nhà Hồ: Ngày 27/6/2011, UNESCO đã đưa di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) vào danh mục di sản văn hóa Thế giới. “Kỹ thuật xây dựng các bức tường thành bằng đá lớn, kỳ vĩ, đặc sắc chỉ có ở thành nhà Hồ. Đây được xem như một hiện tượng đột biến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách tại Việt Nam và trong khu vực” – Đó là đánh giá của trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.
Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới
8. Nhã nhạc cung đình Huế: Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, nhã nhạc cung đình Huế ra đời nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ của cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều… Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, giúp Huế càng được khẳng định hơn với vai trò một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO đưa vào danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa thế giới – vật thể và phi vật thể – đã đánh dấu một bước ngoặt về giá trị văn hóa của vùng đất này.
9. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản này được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Tồn tại trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đã hàng ngàn đời nay, nghệ thuật cồng chiêng ở đây đã phát triển đến một trình độ cao. Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, đã đi vào sử thi Tây Nguyên để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này.
10. Dân ca quan họ: Ngày 30/9/2009, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Quan họ Kinh Bắc được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục.
11. Ca trù: Ngày 1/10/2009, ca trù được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành ở phía Bắc.
12. Hội Gióng: UNESCO đã chính thức công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16/11/2010. Điểm thuyết phục để Hội Gióng được UNESCO công nhận chính là tính nhân dân sâu sắc của lễ hội này. Hội Gióng là lễ hội thuộc về nhân dân. Hàng trăm năm nay, người dân đã góp công góp của để tổ chức ngày hội của mình và giữ nguyên vẹn những nghi lễ do cha ông truyền lại. Hiện nay còn hơn 10 Hội Gióng thuộc địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận.
13. Hát xoan: Ngày 24/11/2011, UNESCO đã công nhận hát xoan – Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại với những giá trị cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm có ca – vũ – nhạc, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh trung du Việt Nam. Hát xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), tương truyền có từ thời các vua Hùng.
14. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.
15. Đờn ca tài tử: Ngày 5/12/2013, UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. UNESCO đánh giá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đáp ứng được các tiêu chí: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa, thể hiện sự hòa hợp văn hóa và tôn trọng văn hóa riêng của các cộng đồng, dân tộc.
Di sản tư liệu thế giới
16. Mộc bản triều Nguyễn: Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009. Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19-20. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.
17. Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, đầu tháng 3/2010, 82 tấm bia tiến sĩ của các khoa thi dưới triều Lê – Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
18. Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm: Ngày 16/5/2012, Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chính thức ghi danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vào danh mục Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chùa Vĩnh Nghiêm được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự”, một trung tâm Phật giáo lớn nhất của thời Trần, một chốn tổ quan trọng của 3 vị Trúc lâm tam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang) từng trụ trì và mở trường thuyết pháp.
BT theo Bích Ngọc- Hiền Hương