Nằm ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, địa đạo Củ Chi không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một trong những công trình kỳ lạ nhất ở Việt Nam. Du lịch Củ Chi du khách không chỉ thỏa sức khám phá đường hầm kéo dài gần 195 km, xây dựng từ thời kháng chiến chống Mỹ mà còn được đắm mình vào những món ngon vô cùng hấp dẫn và độc đáo. Nổi tiếng trong số đó phải kể đến món Bò tơ nức tiếng.
Miếng thịt bò mềm, ngọt, thơm đượm mùi sữa kết hợp cùng vị thanh mát của rau, dẻo dai của bánh tráng, đậm đà của mắm nêm làm nên đặc sản bò tơ Củ Chi.
Bò tơ được các dân nhậu của Sài Gòn “nghiện” đến mức các quán ở đây lúc nào cũng đông đúc. Các món ăn chế biến từ thịt bò tơ cũng dễ ăn và tùy thuộc vào khí hậu thời tiết mà chủ quán chế biến cho phù hợp.
Bò tơ Củ Chi có thể chế biến thành hơn 300 món ăn các loại, từ chiên, xào, hấp, luộc hoặc ăn kèm với những thực phẩm khác đều rất ngon, độc và lạ. Khác với thịt bò ở các vùng khác, thịt bò tơ Củ Chi mới có độ mềm, ngọt tự nhiên, thoảng mùi thơm của sữa mà không cần qua các khâu chế biến phức tạp nào. Người có kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận biết thịt bò tơ ngon nhờ nhìn bằng mắt và lấy tay sờ. Thịt bò tơ mềm khác hoàn toàn với bò đực 1,5-2 năm tuổi. Lớp da của bò tơ rất mỏng, chừng 0,2-0,5 cm, trong khi bò đực thì phải dày đến cả đốt ngón tay.
Sau nhiều công đoạn như xác định chất lượng, độ tươi, mềm, thịt đem về được thui vàng, cạo lớp da ngoài và để vào ngăn lạnh để chờ chế biến. Từ đây, thịt bò có thể được biến tấu thành hàng trăm món ăn khác nhau để phục vụ thực khách.
Món nào cũng có vị ngon ngọt đậm đà từ cách chế biến khéo léo của đầu bếp giữ được nguyên hương vị ban đầu của thịt. Tuy nhiên món luộc đơn giản lại là món được yêu thích nhất. Lớp thịt dính da ở phần sườn bò bao gồm da, mỡ và thịt trên cùng một miếng như thịt ba rọi ở heo trở thành món nhiều người khoái khẩu. Thịt luộc có thể sử dụng cuốn bánh tráng, rau rừng (lá lụa, bí bái, đọt xoài non, đọt bằng lăng non, lá cóc non, đinh lăng, cần đước, sao nhái, đột một… Các món xào, nướng ăn vào khách sẽ nhớ mãi hương vị mặn mà của vùng đất thân yêu thương này.
Món da bò xào nghệ tươi là một món ăn bổ máu, lại tốt cho bao tử nhờ nghệ và chất nhựa của da bò dưỡng cho những người yếu bao tử. Chọn phần thịt ốp táo có nhiều da, cắt lát, nghệ tươi cắt mỏng đập dập, tất cả cho vào xào, khi da bò vừa săn, cho thêm củ hành tây, rau cần, đậu phộng rang, ớt. Món này, ăn đúng kiểu là cho một gắp bún vào chén, múc da bò vừa xào chín cho vào, thêm dưa leo, giá sống, rau thơm cắt nhỏ, chan miếng nước mắm chua ngọt cứ vậy mà và. Da bò trở nên giòn hơn khi xào trên lửa, đồng thời thấm nghệ và gia vị đã trở nên đậm đà hơn. Bún, dưa leo, giá mát lạnh, mềm mại được bổ sung bởi cảm giác đối nghịch giòn xừng xực của da bò cùng vị ấm nồng của nghệ, ớt.
Dựng bò nấu cháo cũng là món ngon. Dựng bò là phần chân bò từ đầu gối trở xuống, do đó móng còn được gọi là dựng móng. Dựng đem xào với gia vị cho thấm, sau đó xào lần hai với nước dừa tươi rồi mới hầm bằng nước xương. Ngoài gạo, trong cháo còn có đậu xanh, đậu trắng, khoai môn sọ, khoai mì, đu đủ xanh, nghệ. Tuy là cháo nhưng thật ra món này giống như một loại súp mà mỗi một muỗng cháo người ăn sẽ thưởng thức được những vị mới lạ hơn của đu đủ, thấm đậm chất ngọt của xương, miếng khoai mì béo bùi, cái móng dựng càng nhai càng khoái khẩu.
(Tổng hợp theo Internet)