Hội An xưa kia được biết đến là một cảng thị sầm uất, tấp nập mua bán, giao dịch. Nơi đây nổi tiếng bởi hàng nghìn di tích, kiến trúc được kết hợp tài tình giữa nghệ thuật văn hóa phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều biến cố, từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, các di tích vẫn giữ được những nét cổ kính, trong số đó, nhà cổ Hội An được xem là tiêu biểu hơn cả.
Nhắc đến cảng thị Hội An là nhắc đến một thương cảng đã từng rất phồn thịnh, tấp nập với nhiều thương nhân đến từ nhiều nước trên thế giới về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa và sinh sống. Chính bởi vậy, những nhà cổ ở Hội An là một sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến trúc của Việt Nam với Nhật Bản, Pháp hay Trung Quốc…
Phong cách kiến trúc của những ngôi nhà cổ
Hầu hết những ngôi nhà cổ ở Hội An thường rất dài và thông ra hai mặt của phố. Sở dĩ có thiết kế như vậy là bởi sự thuận tiện cho việc làm ăn, buôn bán của chủ nhà. Mặt trước có thể sử dụng làm cửa hàng buôn bán, giao dịch. Mặt sau thông ra cảng, tiện cho việc xuất, nhập hàng.
Ngôi nhà cổ thường được chia ra làm nhiều gian riêng biệt, mỗi gian đều mang một chức năng, được sử dụng cho các việc khác nhau.
Vật liệu sử dụng trong nhà chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm được trạm trổ hay điêu khắc rất tinh xảo với các hình thể hiện được sự sung túc, quyền quý, giàu có của chủ nhân.
Khung nhà được lắp ghép với nhau bằng mộng gỗ. Ngói của nhà cổ thường được lợp bằng ngói âm dương ( hai viên gạch úp sát vào nhau tạo thành đường thoát nước ) đây là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Trung Quốc và Việt Nam.
Mặc dù trải qua những biến cố trong chiến tranh và bị ảnh hưởng nhưng những ngôi nhà cổ hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn bởi một phần là do được xây dựng bằng những vật liệu tốt.
Những nhà cổ nổi tiếng nhất ở Hội An
Theo số liệu thống kê, Hội An sở hữu 1.068 nhà cổ. Trong đó có 3 nhà cổ được du khách bình chọn là đáng đến tham quan nhất trong kì du lịch Đà Nẵng – Hội An là nhà cổ Tân Ký, nhà cổ Quân Thắng và nhà cổ Phùng Hưng.
- Nhà cổ Tân Ký – 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An
Ngôi nhà này có lịch sử hơn 200 năm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc từ xưa. Nơi đây vốn là nơi mà 7 thế hệ gia đình họ Lê sinh sống từ bao đời bằng nghề buôn bán. Chủ cửa hiệu Tấn Ký đã cho xây dựng ngôi nhà từ cuối thế kỉ 18.
Nhà cổ Tấn Ký là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam được xây theo kiểu kiến trúc “chồng rường giã thủ” gồm có 2 thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân, 5 thanh dọc giống như 5 ngón tay, tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
Nguyên liệu chính được chủ nhà sử dụng để xây ngôi nhà là gỗvà các loại đá cùng gạch lát. Đá thì được đem về từ Thanh Hóa, chỉ có loại đá ấy mới giúp cho những cột gỗ không bị mục sau từng ấy năm tháng trôi qua. Gạch lát nền phải là loại gạch Bát Tràng, giúp mùa hè mát còn mùa đông thì vô cùng ấm.
Phía sau ngôi nhà, đối diện với những bức ảnh và cột mốc ghi lại sự kiện là nơi bày bán các sản phẩm lưu niệm cho du khách đến thăm. Đây là gian hàng thuộc ban quản lý. Hiện nay chủ nhân của ngôi nhà không còn sống tại đây, chỉ tới làm việc trên gác hai vào buổi sáng, buổi chiều tối lại trở về nhà riêng ở một nơi khác
2. Nhà cổ Quân Thắng – 77 Trần Phú, thành phố Hội An
Nhà cổ này đã có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc của vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Ngôi nhà được bảo tồn rất tốt qua nhiều năm tháng mà vẫn giữ được nét đẹp nguyên vẹn từ kiến trúc cho đến bài trí nội thất.
Ngôi nhà còn là điển hình của kiểu nhà với kiến trúc thông ra hai mặt phố, một trong những đặc trưng của những nhà cổ ở Hội An. Đó là kiểu vì “kẻ chuyền” trong cấu trúc hệ mái nhà chính, một không gian nhỏ có mái che nhìn ra sân trời với vì kèo “chồng rường” được trang trí công phu, đối diện với sân trời là mái vì vỏ cua… không những làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà mà còn tạo được không gian thoáng đãng, mát mẻ.
Toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Các đồ án trang trí trên tường, trên vách cùng với hòn non bộ, cuốn thư… mang đậm tính nghệ thuật đã thổi thêm sinh khí cho ngôi nhà cổ. Ngoài ra, những di vật, cổ vật trong ngôi nhà cũng góp phần minh chứng cho sự thịnh vượng của thương cảng Hội An xưa.
3. Nhà cổ Phùng Hưng – 04 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An
Ngôi nhà là nơi chứng kiến 8 thế hệ chủ nhân đã từng sinh sống và làm việc. Nhà cổ Phùng Hưng có niên đại hơn 200 năm. Năm 1985, ngôi nhà đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao.
Nhà cổ Phùng Hưng là sự kết hợp của 3 trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Hệ thống ban công và cửa chớp là của người Trung Hoa, mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc của Nhật (giống mái của chùa Cầu). Còn lại là hệ thống sườn gỗ, hệ thống xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là kiến trúc Việt Nam. Nhà này rộng và cao nhất ở trong vùng. Với hệ thống 80 cột gỗ lim tất cả được đặt trên chân đá để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột và mặt đất.
Hệ thống cửa trên song dưới bản để di chuyển để trong nhà có thể mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Các cánh cửa có thể tháo rời ra. Người ta cũng lợp mái âm dương, giữ cho ngôi nhà mát mẻ, thông thoáng quanh năm vì mái nhà có nhiều khe rãnh. Bộ phận đỡ mái hiện được chạm khắc hình cá chép vốn là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cá chép đối với người Hoa là sự may mắn, đối với người Nhật là quyền lực và đối với người Việt Nam là sự thịnh vượng.
Gian giữa có trang thờ thờ những vị thần biểu phù hộ. Người xưa người ta thường dùng tàu để vận chuyển hàng buôn đi các nơi và thông thương với nước ngoài. Trước mỗi lần đi biển buôn bán người ta tụ họp lại làm lễ cúng thần. Thuyền trưởng thay mặt cho đoàn thả bảy con súc sắc trong tô để thử vận may cho đoàn. Họ được thả ba lần, nếu có một lần họ được bốn mặt đỏ trở lên có nghĩa là may mắn thì họ sẽ ra khơi còn không họ nhất định hoãn chuyến đi lại.
Hãy sắp xếp một chuyến du lịch Đà Nẵng – Hội An 5 ngày 4 đêm để có thể dành thời gian chiêm ngưỡng những nhà cổ ở khu phố Hội nhé!